.
Làng chài Hải Minh nằm trên bán đảo Phương Mai, thuộc khu vực 9, phường Hải Cảng, Tp. Quy Nhơn. Từ nội thành, chỉ 15 phút đi đò máy từ bến Hàm Tử du khách sẽ đặt chân lên làng chài Hải Minh. Ngồi trên con đò, cảnh tượng hiện ra trước mắt du khách là một làng chài bình yên, phía xa trên dãy núi Phương Mai tượng đài Đức Thánh Trần Hưng Đạo đứng sừng sững, “trơ gan cùng tuế nguyệt”. Để đến được khu vực tượng đài, điểm tham quan chính của làng chài, du khách đi men theo những con đường nhỏ hẹp, quanh co, ngoằn ngoèo như mê cung. Qua đoạn nhà dân, tiếp tục leo theo con đường mòn bên sườn núi sẽ đến được chân tượng đài.
Tượng Đức Thánh Trần – Trần Hưng Đạo toạ lạc trên đồi cao khoảng 40m so với mực nước biển, nơi giao duyên hữu tình: đất – biển – trời. Tượng được khởi công năm 1972 và hoàn thành năm 1973, cao 16 m tính cả đài tượng trong tư thế đứng trên thuyền Rồng chỉ huy trận Bạch Đàng Giang, với trang phục áo giáp mũ sắt, chân trái đứng trụ chân phải gác lên mạn thuyền, tay phải chỉ về phương Bắc, tay trái nắm chuôi kiếm đeo ở thắt lưng, trong tư thế chuẩn bị xung trận, khuôn mặt toát lên thần sắc của một vị tướng dũng mãnh, đầy quyền lực và quyết đoán. Dưới tượng Đức Thánh Trần là 4 bức phù điêu khắc họa 4 mặt bệ. Bức phía Đông diễn tả tấm lòng người anh hùng biết bỏ qua mối hiềm khích trong dòng tộc, để tạo mối đoàn kết toàn dân tộc làm sức mạnh đánh dẹp quân thù. Bức phía Tây là hình ảnh Hưng Đạo Đại Vương kiên quyết khuyên vua xông pha đánh giặc, chứ không buông kiếm đầu hàng trước mối họa xâm lăng. Bức phía Nam là hình ảnh các bô lão tại hội nghị Diên Hồng, tay giơ cao hô vang hai chữ Sát Thát, đồng lòng cùng cả dân tộc quyết đuổi giặc ra khỏi bờ cõi. Bức phía Bắc mô tả một trận thủy chiến với quân Nguyên – Mông, một cuộc chiến vang dội trong lịch sử với chiến công hiển hách của Đức Thánh Trần.
Tượng đài Trần Hưng Đạo
Từ tượng đài nhìn xuống, làng chài Hải Minh nằm uốn mình theo mép sóng, biển ôm làng, làng dựa lưng vào núi với sóng nước mênh mông. Phóng tầm mắt, du khách có cái nhìn bao quát Tp. Quy Nhơn, ngắm cầu Thị Nại, cây cầu vượt biển dài nhất Việt Nam. Dưới chân tượng là ngọn Hải đăng Phước Mai làm nhiệm vụ hướng dẫn tàu tàu bè vào cảng Quy Nhơn. Đến nay, tượng đài Đức Thánh Trần tồn tại hơn 40 năm được xếp hạng di tích lịch sử vào năm 2007 và trở thành một biểu tượng của vùng đất Hải Minh nói riêng và Bình Định nói chung.
Ngay sau lưng tượng đài có con đường mòn dẫn xuống bãi tắm khuất dưới chân núi. Người ta gọi nơi này là bãi Rạn, sóng êm, quang cảnh đẹp và vẫn còn hoang sơ. Du khách có thể tha hồ thả mình dưới làn nước trong xanh, mát mẻ.
Sau khi tham quan tượng đài vị anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo, du khách tiếp tục hành trình đầy thử thách, vượt qua con đường mòn khúc khuỷu, chinh phục núi Đá Đen (núi Tam Tòa) tận mắt chứng kiến dấu tích Tường Lũy xưa với nhiều giá trị lịch sử văn hoá. Tường Lũy cao từ 0,6m đến 1m tùy đoạn được tạo nên bằng cách xếp chồng lên nhau những hòn đá núi vừa khít. Mặt lũy đá khá bằng phẳng, rộng 0,5m. Theo người dân địa phương, Trường Lũy này có từ thời nhà Nguyễn, điểm bắt đầu của Trường Lũy có thể từ tượng Đức Thánh Trần trải dài qua toàn bộ đỉnh núi Đá Đen. Đứng trên Trường Lũy không chỉ nhìn bao quát toàn bộ TP Quy Nhơn mà con bao quát được Đầm Thị Nại mênh mông bên dưới.
Đến làng chài Hải Minh tham quan, du khách không chỉ khám phá vẻ đẹp thiên nhiên còn hoang sơ, trải nghiệm cảm giác được chinh phục dãy núi đá, tìm hiểu những di tích lịch sử hào hùng mà còn cảm nhận được sự mến khách của những người dân làng chài chân chất, thật thà.
Lê Chi – TTTTXTDL
——————————————-
Tour DU LỊCH QUY NHƠN