Bình Định – nơi quanh năm dạt dào tiếng sóng vỗ, nơi của những tháp Chàm cổ kính, nơi truyền thống thượng võ thấm sâu vào máu thịt người dân, nơi thăng hoa của nghệ thuật hát bội, bài chòi và là nơi của những làng nghề truyền thống, những món ăn đặc sản hấp dẫn… Đặc biệt hơn, đây còn là nơi ghi dấu chiến công oanh liệt một thời của người anh hùng áo vải Quang Trung – Nguyễn Huệ. Bảo tàng Quang Trung là nơi thể hiện rõ nhất những dấu ấn Tây Sơn còn sót lại trên mảnh đất Bình Định.
.
Bảo tàng Quang Trung cách trung tâm thành phố Quy Nhơn khoảng 45km về hướng Tây Bắc, thuộc làng Kiên Mỹ, xã Bình Thành, nay là thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định. Năm 1978 bảo tàng được xây dựng trên khuôn viên rộng 95.000m2 theo lối trang nghiêm, hài hòa với cảnh quan, kiến trúc vừa cổ kính vừa hiện đại, với 9 phòng trưng bày các di chỉ, hiện vật của cuộc khởi nghĩa nông dân Tây Sơn (1771 – 1789), cùng hàng ngàn tư liệu hiện vật gốc và hàng trăm hiện vật phục chế về nhà Tây Sơn. Bảo tàng Quang Trung được coi đang sở hữu một kho tư liệu, hiện vật phong phú nhất về thời đại lẫy lừng về vị vua kiệt xuất của dân tộc Quang Trung – Nguyễn Huệ như chiếc trống da voi của đồng bào Tây Nguyên tham gia phong trào Tây Sơn, ấn tín, các sắc phong, chuông đồng, súng thần công, tiền đồng, bút tích Thái Đức, tấm bia mộ tổ dòng họ Tây Sơn…
Bên trong bảo tàng có 3 gian nhà chính, gợi ra 3 hướng tỏa vào sân tượng, cùng với đường vào từ phía cổng bảo tàng, tạo nên bố cục sân tượng tròn và cân đối, mở ra 4 hướng, xong lại tụ vào 1 điểm: đó là nơi đặt tượng đài Quang Trung – Nguyễn Huệ. Tham quan bảo tàng, du khách sẽ được nghe giới thiệu một cách đầy đủ và sâu sắc nhất về nhà Tây Sơn, được nhìn ngắm sắc phục của các quan văn, quan võ thời xưa lưu giữ lại. Ngoài ra, du khách còn được chiêm ngưỡng các loại binh khí đã cùng với nghĩa quân Tây Sơn chiến thắng 20 vạn quân Thanh và nhiều chiến công hiển hách khác.
Du khách nghe Thuyết minh viên giới thiệu các hiện vật trong Bảo tàng – Ảnh: TTTTXTDL
Nằm bên phải bảo tàng xưa là ngôi nhà thuở sinh thời của ba anh em nhà Tây Sơn nay là Khu đền thờ Tây Sơn tam kiệt, nơi đây thờ Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ và các văn thần võ tướng của nhà Tây Sơn. Khu Đền thờ Tây Sơn Tam Kiệt được xếp hạng di tích Quốc gia vào năm 1979 và được công nhận là di tích cấp quốc gia đặc biệt vào ngày 31/12/2014.
Du khách tham quan di tích Cây me cổ thụ của Nhà Tây Sơn – Ảnh: TTTTXTDL
Trước sân rộng có cổng tam quan, tiếp đó là nhà bia ghi công lao của Quang Trung – Nguyễn Huệ viết bằng chữ quốc ngữ. Chính điện gồm ba gian, gian giữa thờ Quang Trung – Nguyễn Huệ, có bức tranh ông cưỡi ngựa đặt trong khung kính, gian bên trái thờ Nguyễn Nhạc, gian bên phải thờ Nguyễn Lữ. Hai đầu hồi là ban thờ các văn thần võ tướng nhà Tây Sơn như: Trần Quang Diệu, Bùi Thị Xuân, Võ Văn Dũng, Ngô Thì Nhậm, Ngô Văn Sở, Trần Văn Kỷ…
Trong khu vườn cũ của gia đình anh em Tây Sơn vẫn còn lại hai di tích còn in đậm kỷ niệm gia đình người anh hùng dân tộc là cây me cổ thụ và giếng nước xưa, tương truyền có từ thời ông Hồ Phi Phúc. Cây me cổ thụ nằm bên trái điện Tây Sơn cành lá xum xuê che mát cả một góc vườn, có chu vi gốc cây tới 3,5m. Cây me xưa kia là nơi Nguyễn Nhạc họp bàn việc nước với các nghĩa sĩ và cũng là nơi nhân dân bí mật thờ ba anh em nhà Tây Sơn sau những năm đình bị đốt cháy. Bên phải điện Tây Sơn là giếng nước, đường kính 0,9m, trước đây xây bằng đá ong và không sâu như bây giờ. Sau này dân làng vét sâu thêm và xây thành giếng cao hơn mặt đất 0,8m để làm giếng chung cho cả làng. Tới đây, du khách có thể ngồi nghỉ dưới gốc cây me, múc nước giếng mát uống để ngược dòng thời gian trở về lịch sử nơi đây.
Du khách tham quan di tích Giếng nước xưa của Nhà Tây Sơn – Ảnh: TTTTXTDL
Là nơi lưu giữ rất nhiều giá trị lịch sử, văn hóa và tinh thần quý báu của dân tộc, bảo tàng Quang Trung là điểm du lịch không thể bỏ qua khi du khách đến Bình Định. Đặc biệt là vào mùng 4 và mùng 5 tháng giêng Âm lịch hàng năm, người dân và du khách bốn phương tụ hội về đây để trẩy hội và sống lại hào khí oanh liệt, hào hùng của chiến thắng Đống Đa lịch sử một thời.