Nói đến lễ hội đầu tiên của mùa xuân trên đất Bình Định trước tiên phải kể đến lễ hội Chợ Gò hay dân gian quen gọi với cái tên khác là Hội xuân Chợ Gò. Lễ hội Chợ Gò được tổ chức duy nhất vào ngày mùng 1 tết Âm lịch hàng năm ở thôn Phong Thạnh, thị trấn Tuy Phước, huyện Tuy Phước. Tương truyền cách đây khoảng 300 năm, hai vị tướng nhà Tây Sơn là Trần Quang Diệu và Võ Văn Dũng khi chỉ huy quân đóng tại khu vực này, đã cho mở hội chợ Gò để quân sĩ cùng nhân dân vui chơi cho vơi đi nỗi nhớ gia đình trong những ngày tết.
Ngay sau lễ hội Chợ Gò thì đến chiều mùng 2 Tết du khách lại đến với lễ hội đua thuyền ở Gò Bồi thuộc thôn Tùng Giản, xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước. Lễ hội đua thuyền ở Gò Bồi có từ xa xưa, gắn bó mật thiết với cư dân ven đầm Thị Nại bởi nó là hoạt động tinh thần mang đậm chất văn hóa cộng đồng, thể hiện nét văn hóa đặc trưng của người dân miền ven biển; mặt khác nó còn mang tính phong trào rèn luyện sức dẻo dai phục vụ đánh bắt cũng như nuôi trồng thủy sản của ngư dân trong vùng. Lễ hội gồm các hoạt động thi đua tranh tài của các ngư dân đến từ 4 xã ven đầm Thị Nại là: Phước Thuận, Phước Sơn, Phước Hòa và Phước Thắng về tham gia ở các môn: sõng câu bơi dầm, sõng câu chống sào và đua thuyền rồng tập thể.
Chương trình ngày mùng 5 Tết hằng năm đều được thay đổi để mang lại những sắc màu mới cho lễ hội, nhưng các tiết mục chính vẫn là ôn lại những chiến công hiển hách lịch sử của phong trào khởi nghĩa nông dân Tây Sơn và cuộc đại phá quân Thanh. Chương trình bao gồm biểu diễn võ thuật, trống trận Tây Sơn và thao diễn trận pháp. Ngoài nghi lễ truyền thống, lễ hội còn tổ chức nhiều hoạt động văn hóa dân gian như đua thuyền, trò chơi dân gian, hát tuồng, hội đánh bài chòi cổ dân gian… thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước, đặc biệt là người dân đất võ tham dự rất đông để tưởng nhớ công ơn nghĩa quân Tây Sơn đã bảo vệ độc lập tự do cho đất nước.
Ngày nay, đi dự lễ hội tết Đống Đa đối với người dân đất võ đã trở thành niềm tự hào và cũng là một nhu cầu tinh thần không thể thiếu được trong những ngày đầu xuân.
.
Chùa Ông Núi tọa lạc trên đỉnh núi Bà cao khoảng 500m so với mặt nước biển, là một trong những ngôi chùa cổ đẹp và nổi tiếng ở Bình Định; nay chùa còn được tô điểm thêm bởi bức tượng Phật ngồi cao nhất Đông Nam Á đã được khánh thành cuối năm 2017, hứa hẹn sẽ thu hút đông đảo du khách về chiêm bái, tham quan du lịch.
Lễ hội Chùa Ông Núi được tổ chức vào ngày 24 và 25 tháng giêng âm lịch; đây cũng chính là ngày giỗ của Hòa thượng Thích Viên Minh – trụ trì của chùa lúc sơ khai và cũng là một trong những người có nhiều đóng góp cho sự phát triển của lịch sử Phật giáo Bình Định. Tham dự lễ hội chùa Ông Núi là dịp để du khách nghỉ ngơi, thưởng lãm cảnh đẹp và nét văn hóa đặc sắc lễ chùa sau Tết âm lịch.
Lễ hội Đô thị Nước Mặn là một trong những lễ hội truyền thống ra đời rất sớm và được tổ chức quy mô lớn ở Bình Định. Lễ hội được tổ chức tại chùa Bà, thôn An Hòa, xã Phước Quang, huyện Tuy Phước. Khoảng 400 năm trước, khu vực thôn An Hòa là cảng thị Nước Mặn nổi tiếng sầm uất. Lễ hội Nước Mặn ra đời và được tổ chức hàng năm từ mùng 1 đến mùng 3 tháng 2 âm lịch vừa đánh dấu một cảng thị ở vùng đất biên viễn bước vào thời kỳ phồn vinh, vừa thể hiện tinh thần dung hợp văn hóa Việt – Hoa khi biên giới Đại Việt mới tới núi Đá Bia (Đèo Cả-Phú Yên) và cứ thế duy trì, phát triển, theo nhịp sống thăng trầm của cảng thị này.