Linh Phong Thiền Tự – chùa Ông Núi

      Người dân Bình Định vẫn gọi chùa Linh Phong là chùa Ông Núi (thôn Phương Phi, xã Cát Tiến, huyện Phù Cát). Những dấu tích về Ông Núi nay chỉ còn lại hang Tổ với vẻ đẹp hoang sơ, nằm trên lưng chừng một ngọn núi sau chùa.

Lên ngọn Linh Phong

Theo tài liệu của chùa biên soạn năm 2001, chùa do ông Tổ Giám Huyền và đệ tử Tánh Bang (Lê Ban) sáng lập năm Giáp Tý (1684) niên hiệu Chánh Hoà thứ 5 thời vua Lê Hy Tông (theo sách “Đại Nam nhất thống chí” thì chùa thành lập năm 1702 niên hiệu Chánh Hoà thứ 11). Thầy trò “tu thiền quán nơi hang đá. Trước mặt có một suối nước từ chóp núi đổ xuống, nên hang đá mang tên “Dũng tuyền thạch cốc” (hang đá nước xối mạnh). Sau đó thầy Giám Huyền giao lại cho đệ tử Lê Ban để đi vào phía Nam tu hành. 

Tương truyền, sư Lê Ban là bậc tiên phong đạo cốt, quanh năm chỉ ở trên núi tu luyện, mặc đồ bằng vỏ cây dù mùa đông hay mùa hạ, ung dung tự tại sống bên sườn núi, trong hang đá, chuyên hái thuốc trị bệnh cứu người. Nhân dân trong vùng rất kính trọng gọi là Ông Núi. 

Năm Qúy Sửu (1733), Chúa Nguyễn Phúc Chu ban cho Ông Núi pháp hiệu Tĩnh giác Thiện trì Đại lão Thiền sư, cho xây lại chùa Dũng Tuyền và đổi tên là Linh Phong. 

Khoảng năm 1967, chùa bị bom đạn chiến tranh xóa sạch. Đến năm 1990, chùa mới bắt đầu được xây cất lại. Mái cổ lầu, lợp ngói ống, trên nóc gắn hình lưỡng long tranh châu, nạm sứ. Đôi cột trước điện hình song long cuộn. Tượng Phật cao 2,5m, đại hồng chung nặng 1,2 tấn, đều mới đúc tại chỗ bởi các nghệ nhân từ Huế và công việc tái thiết chùa diễn ra liên tục đến năm 2004 mới hoàn thành như ngày nay.

Chùa ông Núi là di tích Lịch sử – Văn hóa Quốc gia, đến nay đã qua 12 đời thừa kế. Hàng năm, lễ hội chùa Ông Núi vào dịp 24 và 25 tháng Giêng âm lịch – ngày giỗ ông Tổ Viên Minh của chùa. Trong dịp này, có hàng ngàn người dân trong tỉnh và du khách hành hương về viếng Phật, ngắm cảnh và đến hang Tổ để dâng hương ngưỡng vọng công đức của Ông Núi.

Để đến được cổng chùa Linh Phong, du khách phải đi bộ qua hàng trăm bậc đá từ chân núi Bà lên, với độ cao hơn 100m. Từ đây, có thể nhìn dãy núi Bà hùng vĩ, cảnh làng quê thanh bình dưới chân núi, xa xa là toàn cảnh khu kinh tế Nhơn Hội bên đầm Thị Nại, ngay cạnh TP Quy Nhơn.

Cổng chùa từ dưới chân núi Bà.

Du khách phải đi bộ qua hàng trăm bậc đá để lên chùa.

Toàn cảnh bán đảo Phương Mai nhìn từ chùa Linh Phong.

Vẻ đẹp hoang sơ hang Tổ

Từ phía trước Chánh điện chùa, đi về hướng tây có một cây cầu nhỏ dẫn lên các mộ Tháp và lên hang Tổ nằm trên núi phía sau chùa.

Dưới cầu là nguồn nước từ hang Tổ chảy về.

Tảng đá hướng dẫn dường lên hang Tổ

Đường lên hang Tổ

Bên trong hang là những vách đá tự nhiên, tạo nhiều khoảng không gian thông nhau như những căn phòng của một ngôi nhà bằng đá.Hang Tổ nằm sát mép suối, đá tự nhiên che kín cả ba mặt như một ngôi nhà. Tương truyền đây chính là hang đá ngày xưa ông Núi từng ở, từng ngồi niệm kinh tụng Phật.

Năm 2000, tượng ông Núi (thiền sư Lê Ban) được tạo dựng, đặt tại hang Tổ. Tượng ngồi cao 84 cm, nhũ vàng, do nghệ nhân Lê Ân thực hiện.

Hang Tổ hiện nay vẫn còn giữ nguyên vẹn vẻ đẹp hoang sơ với những vách đá từ bên trong và cảnh quan xung quanh bên ngoài.

Bên trong hang Tổ

Nằm giữa hang là những tảng đá lớn xếp chồng nhau và dựng đứng, phía bên dưới là một khe nước từ trong lòng suối chảy ngang qua hang, với độ sâu hơn 5m. Có lẽ  vì vậy mà trước đây chùa có tên là “Dũng tuyền thạch cốc”  chăng ?

Bên ngoài hang, những tảng đá lớn xếp chồng nhau như những mái nhà, tạo nên dòng “suối” đá giữa hai vách của dãy núi Bà. 

Những mái nhà của đá

Phía ngoài hang Tổ còn có nhiều khối đá xếp chồng nhau cũng rất lạ. Có những tảng đá xếp chồng ba hoặc chồng hai hòn với nhau. Có tảng rất giống hình một vị sư đang ngồi an nhiên giữa đất trời, mặc thời gian mãi trôi giữa thường hằng.

Bài, ảnh: HOA KHÁ

——————————————-

Tour DU LỊCH QUY NHƠN

 

 

Linh Phong Thiền Tự – chùa Ông Núi
4.8 (95%) 8 votes

Bài viết cùng Chủ đề

Leave a Comment